Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Phố cổ “thức giấc” Sự phục hưng văn hóa nghệ thuật của khu phố cổ Đài Trung
2024-04-08

Egaruok Chang, người sáng lập Hiệp hội Phục hưng Văn hóa và Lịch sử Đài Trung, đã thúc đẩy sự ra đời của công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ, hy vọng đường sắt trở thành phương tiện để giúp mọi người hiểu rõ hơn về thành phố.

Egaruok Chang, người sáng lập Hiệp hội Phục hưng Văn hóa và Lịch sử Đài Trung, đã thúc đẩy sự ra đời của công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ, hy vọng đường sắt trở thành phương tiện để giúp mọi người hiểu rõ hơn về thành phố.
 

 Trong những năm gần đây, nhiều ngôi nhà cũ tại khu phố cổ Đài Trung đua nhau hồi sinh, “Hiệu sách trung tâm” được mở lại, các công trình kiến trúc lịch sử được phục hồi, khu vực cảnh quan mới “Công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ” (Taiwan Connection 1908) cũng được đưa vào hoạt động, dường như muốn tuyên bố rằng khu phố cổ Đài Trung đã bước vào thời kỳ phục hưng văn hóa và nghệ thuật, đem lại sức sống mới cho thành phố cổ này.

 

 “Đường sắt đã khắc họa nên câu chuyện của thành phố hiện đại”, theo người sáng lập Hiệp hội Phục hưng Văn hóa và Lịch sử Đài Trung (Taichu Renaissance Association) anh Egaruok Chang bày tỏ như trên, tuyến đường sắt chạy dọc Bắc - Nam được thông xe vào năm 1908, vì vậy Đài Trung trở thành nút giao thông quan trọng. Vào năm 1920, Hiệp hội Văn hóa Đài Loan phát triển rất mạnh đã sáng lập ra Hiệu sách Trung tâm, biến Đài Trung thành nơi đặt nền móng cho tư tưởng văn hóa và nghệ thuật của người Đài Loan. Anh Egaruok Chang cho biết, Đài Trung là khu vực nằm sâu trong đất liền, nếu không có phương tiện vận chuyển đường sắt, thành phố này sẽ không thể phát triển nhanh chóng như vậy được. Muốn khám phá câu chuyện về thành phố cổ Đài Trung thì phải bắt đầu tìm hiểu từ đường sắt.
 

Phòng khám nhãn khoa Miyahara vẫn giữ lại được những đặc trưng mang đậm nét lịch sử của kiến trúc, dùng tủ sách bằng gỗ và trần nhà kiểu thông tầng để tạo cảm giác không gian, thu hút du khách đến tham quan.

Phòng khám nhãn khoa Miyahara vẫn giữ lại được những đặc trưng mang đậm nét lịch sử của kiến trúc, dùng tủ sách bằng gỗ và trần nhà kiểu thông tầng để tạo cảm giác không gian, thu hút du khách đến tham quan.
 

Bảo vệ địa danh

 Trong ký ức của những người Đài Trung đã có tuổi, bất kể là đi làm hàng ngày, đi học thêm hay hẹn hò, luôn có sự đồng hành của ga xe lửa cũ Đài Trung. Ga xe lửa này được hoàn công vào năm 1917, phía bên ngoài là tường gạch màu đỏ được điểm xuyết bằng những đường viền trông như những dải ruy băng màu trắng vắt ngang, ngoài ra phần mái sử dụng loại ngói màu đồng thiếc, kết hợp với ngọn tháp nằm ở chính giữa kiến trúc nhà ga, đã tạo nên một dáng vẻ hào hùng khí phách.

 Đối với anh Egaruok Chang từ nhỏ đã sinh sống ở ngay gần ga xe lửa Đài Trung mà nói, đường sắt là phong cảnh lọt vào tầm mắt của anh mỗi ngày, nhìn thấy đoàn tàu chạy vút qua từ phía trên nhà mình, băng qua cây cầu sắt mới vào đến ga, đó là cảnh tượng vô cùng quen thuộc đối với anh. Egaruok Chang vừa cười vừa nói rằng, người địa phương đặt cho cây cầu sắt này một cái tên rất thân thiết là “Đường sắt trên không” (phát âm bằng tiếng Đài là “hué-tshia-lōo-khang”). Nếu bạn hỏi người địa phương đường tới quán bánh bột lọc nhân thịt nổi tiếng “Taichung Rouyuan” đi như thế nào, thì có lẽ sẽ được trả lời rằng: “Từ phía ga trước anh phải băng qua “Đường sắt trên không”, sau đó rẽ phải vào đường Fuxing là tới quán Taichung Rouyuan”. Đối với người dân địa phương mà nói, “đường sắt trên không” không chỉ là một cây cầu sắt, mà còn là một cột mốc địa lý, một địa danh.

 Nếu chẳng may những điều kể trên biến mất, phải chăng trong tương lai những ký ức văn hóa này cũng sẽ bị mất đi? Đó chính là điều khiến anh Egaruok Chang canh cánh trong lòng. Thời điểm đó là vào năm 2014, hai năm sau công trình xây dựng tuyến đường sắt Đài Trung trên cao mới bắt đầu khởi công, từ khi đó anh Egaruok Chang đã nảy ra ý tưởng về một công viên trên cao chạy dọc theo tuyến đường sắt.

 Để có thể trao đổi với mọi người về ý tưởng của mình, anh Egaruok Chang đã nêu ví dụ về hai dự án quốc tế cải tạo tuyến đường sắt thành công viên, đó là công viên trên cao High Line của New York (Mỹ) và khu vườn Promenade Plantée ở Paris (Pháp), biến công viên đường sắt thành cách để khám phá thành phố lại từ đầu. Sau khi anh Egaruok Chang thành lập Hiệp hội Phục hưng Văn hóa và Lịch sử Đài Trung, cùng với các đoàn thể dân sự khác không ngừng cố gắng, cuối cùng đã giúp Đài Trung lưu giữ lại được một không gian xanh tươi và mang đậm giá trị văn hóa, đó chính là “Công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ” (Taiwan Connection 1908).

 

Ngắm thành phố qua góc nhìn của xe lửa

 Công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ Đài Trung chạy xuyên suốt từ võ đường Yanwuchang của nhân viên tư pháp thời Nhật Bản chiếm đóng thuộc khu Tây thành phố Đài Trung (nay là Viện bảo tàng Truyện tranh quốc gia) đến xưởng đường cũ thời kỳ đế quốc Nhật Bản tọa lạc ở khu Đông. Sau khi dự án tuyến đường sắt trên cao đã hoàn thành, chỉ cần từ ga xe lửa Đài Trung mới đi sang nhà ga cũ, rồi men theo trục đường sắt cũ là sẽ ra tới công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ. Vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, vì để khắc phục địa hình trũng trong lúc xây dựng nhà ga xe lửa, vì vậy chính quyền Nhật đã cho chỉnh trị con kênh Lục Xuyên (Luchuan), nâng cao đường ray, cho xe lửa chạy ở phía bên trên nhà cửa, dòng người và xe cộ. Vì vậy khi dạo bước trong công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ, độ cao sẽ biến đổi từ mức cao bằng nửa tầng lầu cho đến độ cao khoảng 2 tầng lầu, nhờ vậy có thể ngắm lại khu thành cổ bằng góc nhìn của xe lửa thời trước.

 Đi dạo trong công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ, ngoài ngắm dải thực vật trên dọc đường đi, bước đi trên những trục đường ray, ở phía trên đầu còn có rất nhiều những tác phẩm sắp đặt mang đậm dấu ấn văn học của Đài Trung, thỉnh thoảng cũng bắt gặp xe lửa chạy vút qua phía trên, còn dưới chân là dòng người và xe cộ đi lại tấp nập, cũng là một trải nghiệm rất đặc biệt.

 Anh Egaruok Chang dẫn chúng tôi đến khu vực “Đường sắt trên không” đầu tiên trên đường phố Đài Trung, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp của nhiều khu vực hành chính thuộc thành phố. Ví dụ tại khu trung tâm, nhiều cửa tiệm mọc lên san sát, còn tại khu Tây thì có rất nhiều cơ quan, trường học và các khu ký túc xá, đây là khu vực phát triển mạnh về văn hóa giáo dục; hay tại khu Đông nằm ở phía sau ga xe lửa, vì là nơi tọa lạc của nhà máy đường và nhà máy rượu vào thời trước, nên đã có rất nhiều loại hình nhà máy mọc lên tại đây, tạo ra một tổ hợp các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.
 

Bị thu hút bởi sự quyến rũ “rất đời” của khu phố cổ, ông Tô Duệ Bật đã chuyển đến sống tại đây, thúc đẩy công cuộc tái sinh những ngôi nhà cũ bằng chuyên môn về kiến trúc của mình.

Bị thu hút bởi sự quyến rũ “rất đời” của khu phố cổ, ông Tô Duệ Bật đã chuyển đến sống tại đây, thúc đẩy công cuộc tái sinh những ngôi nhà cũ bằng chuyên môn về kiến trúc của mình.
 

Đi dạo dọc theo tuyến đường sắt

 Trong lúc xúc tiến dự án công viên trên cao dọc tuyến đường sắt cũ, anh Egaruok Chang cũng đưa mọi người trải nghiệm một chuyến mini tour “dọc theo tuyến đường sắt.”

 Xuất phát từ khu vực ga xe lửa sau, khám phá những dấu tích của tuyến Trung Nam (Đài Trung - Nam Đầu) của hệ thống đường sắt nhà máy đường. Khu vực ga sau Đài Trung cũ được xây dựng vào thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, thời kỳ đầu tuyến đường sắt Trung Nam không những chạy vào tận trong nhà máy đường, mà còn chạy tới cả chợ chuối. Các công ty thương mại tư nhân cũng được ra đời, để ứng phó với việc xuất khẩu chuối với quy mô lớn, ví dụ trên đường Phục Hưng (Fuxing) có một toà kiến trúc được gọi là “Tiệm trái cây Văn” (tiệm trái cây của thương nhân Trần Văn Minh), từ dáng vẻ hoa lệ của kiến trúc này có thể hình dung ra cảnh tượng sầm uất một thời.

 “Xưởng sản xuất Fuxing 1962” nằm ẩn mình trong ngõ chính là ngôi xưởng cũ của công ty sản xuất mỹ phẩm đầu tiên tại Đài Loan - Shen Hsiang Tang. Mặc dù nhà xưởng từng một thời hoang phế do dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động, nhưng tới nay đã được nhóm thiết kế cải tạo thành không gian sáng tạo văn hóa tổng hợp, lưu giữ được những kết cấu của kiến trúc xưởng sản xuất thời trước, và cũng có rất nhiều các nhóm sáng tạo đến lưu trú tại đây. Nghệ thuật hoa trang trí, nhà hàng, đĩa than nhạc và cổ phục được hội tụ tại đây, các phiên chợ được tổ chức không định kỳ, giúp ngôi xưởng bỏ hoang được tái sinh trở thành tụ điểm mới về mỹ thuật đời sống, còn giành được các giải thưởng thuộc Giải thiết kế Red Dot của Đức, Giải Design Award của Nhật Bản và Giải thiết kế Golden Pin của Đài Loan.

 

Vô vàn cách thức khám phá khu phố cổ

 Khi tới khu phố cổ của Đài Trung, đại đa số du khách đều sẽ ghé thăm di tích phòng khám nhãn khoa Miyahara từ thời Nhật Bản thống trị, để thưởng thức món kem hoặc mua một món quà tặng đặc biệt. Tòa kiến trúc này do tiến sĩ nhãn khoa người Nhật Takekuma Miyahara xây dựng từ năm 1927 này, vốn từng phải đối mặt với vận mệnh bị tháo dỡ do xuống cấp gây mất an toàn, sau đó được tập đoàn Dawn Cake mua lại và tiến hành trùng tu, nhưng vẫn giữ lại những đặc trưng mang đậm nét lịch sử của kiến trúc, bên trong dùng những chiếc tủ sách bằng gỗ để trang trí, trần nhà bằng kính với kết cấu thông tầng tạo ra những tia sáng lấp lánh chiếu rọi, tạo nên bầu không khí vừa hoài cổ lại rất thanh tao, khiến tòa kiến trúc này trở thành thắng cảnh nổi tiếng tại khu phố cổ.

 Trong mắt của ông Tô Duệ Bật (Su Jui-pi), Giáo sư trợ lý Khoa Kiến trúc học Trường Đại học Đông Hải, khu phố cổ giống như một cô gái có hàng ngàn khuôn mặt, có thể khám phá theo đủ các chủ đề khác nhau, mỗi một kiểu đều có sự thú vị riêng.

 Vào năm 2012, giáo sư Tô Duệ Bật tới đây lưu trú để thực hiện dự án nghiên cứu, tận dụng không gian trên tầng 2 của một ngân hàng bị bỏ trống nhiều năm, ông đã thiết lập “Căn cứ địa tái sinh khu vực trung tâm”, bắt đầu xúc tiến công cuộc tái sinh khu phố cổ. Ông xuất bản tờ báo “Da-Dun” (Da-dun paper) thông qua hình thức workshop, dẫn dắt rất nhiều các bạn trẻ đi thu thập những câu chuyện của khu phố cổ. Có thể bắt gặp được kho báu ở khắp nơi trong khu phố cổ, mỗi một số phát hành đều “đào được kho báu” theo các chủ đề khác nhau gồm thanh niên khởi nghiệp, nghệ nhân nghề thủ công, kiến trúc, ẩm thực đường phố, hiệu sách và quán cà phê, v.v… Ông Tô Duệ Bật cho biết, thành phố Đài Trung rất quyến rũ là bởi vì: đi bộ trong những khu phố nhỏ, có những cửa tiệm lâu năm, cũng có những cửa tiệm nhỏ xinh cũ và mới đan xen lẫn nhau, mang đậm hơi thở cuộc sống.

 Trong thời gian sống ở Nhật và nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc, giáo sư Tô Duệ Bật đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà bỏ trống. Ông phát hiện những ngôi nhà bỏ trống tại khu phố cổ của Đài Trung đều ẩn chứa câu chuyện của riêng mình.

 Ví dụ như kiến trúc “Nam Viên Tửu Gia - ChangeX Beer” nằm ở ngã tư của đường Dân Tộc (Minzu) và đường Kế Quang (Jiguang) đã qua nhiều lần thay đổi, có thân thế rất phong phú. Sớm nhất là nhà hàng món Tây “Seiyoken” nổi tiếng thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan được khai trương vào năm 1915 tại đây, thường xuyên được giới quý tộc Đài Trung ghé thăm. Sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc nơi đây từng chuyển đổi và trải qua các hình thức kinh doanh như “Quán ăn công cộng”, đến năm 1962 thì trở thành “Nam Viên Đại Tửu Gia”, là một trong 4 quán rượu lớn nhất ở Đài Trung vào thập niên 1960, 1970, từng một thời kinh doanh vô cùng phát đạt. Và trong thời kỳ đương đại gần đây, vào năm 2018, địa điểm này được thương hiệu bia cao cấp ChangeX Beer thuê lại, sau 3 năm sửa sang đã biến nơi đây thành một quán ăn phức hợp với không gian trưng bày triển lãm và cung cấp đồ ăn thức uống mang đậm nét đương đại, tái hiện sự huy hoàng một thời của tòa kiến trúc hàng trăm năm tuổi này.
 

Xưởng sản xuất Fuxing 1962 vẫn bảo lưu kết cấu kiến trúc của nhà xưởng từ thời xưa, tập hợp những cửa tiệm nhỏ độc đáo, tạo nên tụ điểm mỹ thuật đời sống tại khu phố cổ.

Xưởng sản xuất Fuxing 1962 vẫn bảo lưu kết cấu kiến trúc của nhà xưởng từ thời xưa, tập hợp những cửa tiệm nhỏ độc đáo, tạo nên tụ điểm mỹ thuật đời sống tại khu phố cổ.
 

Thông điệp thời gian của kiến trúc

 Không chỉ có những cá nhân nỗ lực tìm kiếm sự hấp dẫn của khu phố cổ, trong nhiều năm nay, các cơ quan nhà nước cũng thông qua việc tu bổ và kích hoạt các kiến trúc lịch sử, cố gắng hoàn thiện ký ức thời đại của thành phố này. Việc tòa nhà chính quyền châu Đài Trung vừa được mở cửa cho người dân đặt hẹn đến tham quan từ tháng 9 năm 2023 chính là một minh chứng rất rõ rệt.

 Tòa nhà chính quyền Đài Trung vẫn hiện diện cho tới ngày nay được khởi công xây dựng vào năm 1912, một năm sau đã hoàn thành công trình giai đoạn thứ nhất, trải qua thời gian xây dựng mở rộng theo 5 giai đoạn cho tới năm 1934 mới hoàn thành quy mô như mọi người nhìn thấy hiện tại. Một công trình kiến trúc hoành tráng như vậy, sau khi bắt đầu triển khai tu sửa vào năm 2019, mãi tới năm 2022 mới có cơ hội một lần nữa được xuất hiện trước công chúng.

 Vào ngày chúng tôi đến thăm tòa nhà chính quyền Đài Trung thời tiết rất đẹp, đó là một ngày thu tràn đầy ánh nắng, tòa kiến trúc gạch đỏ tường trắng với mái Mansard nghiêng kiểu Pháp nổi bật trên nền trời xanh và mây trắng, càng làm toát lên vẻ tráng lệ của nó. Chúng tôi tình cờ gặp một đoàn khách Nhật đặt hẹn đến tham quan có hướng dẫn viên giới thiệu, đi theo họ nghe được nội dung giới thiệu về cửa của kiến trúc này thì biết được rằng, chẳng hạn như tòa nhà này quay mặt về hướng Đông, khác với thói quen của người Hoa là “Tọa Bắc triều Nam” (có nghĩa là dựa lưng vào hướng Bắc, ngoảnh mặt nhìn về hướng Nam), vì muốn phát huy tác dụng diệt khuẩn nhờ ánh nắng mặt trời, còn nền đất cao hơn là để tránh hơi ẩm, qua đó muốn giảm bớt sự khó chịu gây ra bởi sự khác nhau về thời tiết giữa Nhật Bản và Đài Loan.

 Khi tới một căn phòng trên tầng hai, sàn nhà vốn đều là xi măng thì bỗng nhiên lại đổi thành sàn gỗ, hóa ra căn phòng này là phòng nghỉ được chuẩn bị để tiếp đãi Hoàng thái tử Hirohito (sau này là Nhật Hoàng Hirohito). Nghe nói vào năm mà Hoàng Thái tử sang thăm thời tiết rất đẹp, phóng tầm mắt từ hành lang tầng hai có thể nhìn thấy ngọn núi Ngọc Sơn (Yushan) khi đó được mệnh danh là đỉnh núi cao mới! Sau khi được hướng dẫn viên giới thiệu, các du khách người Nhật bất giác đều chạy tới bên cửa sổ để ngắm nhìn phía xa, thử mường tượng ra khung cảnh mà Nhật Hoàng Hirohito nhìn thấy năm đó, quả thực là rất thú vị.

 Ngoài tòa nhà chính quyền châu Đài Trung, các kiến trúc khác của các cơ quan thuộc chính quyền Đài Trung trong thời Nhật Bản thống trị Đài Loan như công sở hành chính Đài Trung (Taichung Shiyakusho), quần thể nhà ở công vụ của trại giam) v.v... cũng tiếp tục được tu sửa phục hồi để tái hiện sự huy hoàng một thời. Đi dạo một vòng khu phố cổ, chỉ cần quan sát kỹ một chút, sẽ bắt gặp dấu tích thời đại ở bất cứ nơi nào, giống như anh Egaruok Chang đã nói rằng, chỉ cần vén màn lên, bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị được ẩn giấu bên trong.

 

Xem thêm

Phố cổ “thức giấc” Sự phục hưng văn hóa nghệ thuật của khu phố cổ Đài Trung